THÔNG SỐ BỊ “BỎ QUÊN” NÊN BIẾT ĐỂ LỰA CHỌN ĐÈN PHẪU THUẬT THÍCH HỢP HƠN

Đèn phẫu thuật là một trong những thiết bị quan trọng trong phòng mổ, khu vực cần ánh sáng chất lượng cao, linh hoạt điều chỉnh các tính năng nhằm tối ưu sự quan sát của bác sĩ tại khu vực phẫu trường.

Do đó, khi lựa chọn đèn phẫu thuật cần lưu ý rất nhiều thông số, thông thường nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các thông số cường độ sáng, khả năng điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ màu, độ hoàn màu trung bình (Ra), đường kính trường sáng, độ bền và tuổi thọ của bóng đèn.

Tuy nhiên, một số thông số khác cũng rất quan trọng nhưng thường xuyên không được quan tâm như độ sâu trường sáng, tỉ lệ d50/d10, khả năng mở rộng, tích hợp camera, độ tạo bóng, khả năng chống nước. Hiểu rõ các thông số này sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra những lựa chọn tối ưu hơn cho phòng mổ của mình.

Độ sâu trường sáng: được hiểu là khoảng cách giữa 2 điểm có cường độ sáng 20% (hoặc 60%) trên và dưới so với điểm sáng trung tâm (Ec) (Hình 1). Tổng khoảng cách L1+L2 được gọi là độ sâu trường sáng, là khoảng sáng tối ưu cho các phẫu thuật, độ sâu trường sáng càng lớn càng thích hợp cho các phẫu thuật với phẫu trường nằm sâu bên trong cơ thể, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có thể trạng cơ thể tương đối lớn hoặc béo phì.

Hình 1: Độ sâu trường sáng

Tỉ lệ d50/d10: để hiểu rõ ý nghĩa của tỉ lệ này, trước tiên cần hiểu rõ khái niệm đường kính trường sáng. Đường kính trường sáng là đường kính của đường tròn ánh sáng mà nguồn sáng tạo ra, với tâm là trung tâm sáng có cường độ sáng tối đa (Ec) và điểm xác định đường kính là tại vị trí ánh sáng đạt 50% cường độ sáng tối đa (d50) hoặc 10% cường độ sáng tối đa (d10) (Hình 2).

Thông thường, đường kính trường sáng d10 sẽ được quan tâm. Tuy nhiên, tỉ lệ d50/d10 cũng cực kì quan trọng. Tỉ lệ này phản ánh mức độ “sáng đều” của ánh sáng, do đó, d50/d10 nên > 0.5. Nếu d50/d10 < 0.5, có thể dẫn đến chất lượng ánh sáng trong các ca phẫu thuật không được đảm bảo, đặc biệt là các phẫu thuật cần phẫu trường tương đối lớn. Lúc này, tuy d10 của nguồn sáng lớn, nhưng phạm vi khu vực ánh sáng có cường độ sáng trên 50% lại quá nhỏ.

 

 

Hình 2: Đường kính trường sáng (d10) và d50/d10

 

Khả năng mở rộng tích hợp camera: trong quá trình phẫu thuật, đặc biệt là các ca phẫu thuật chuyên sâu, nhu cầu ghi lại hình ảnh, video là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tích hợp thêm camera lên đầu đèn có thể sẽ gây lãng phí và tốn kém rất lớn do cần phải thay thế cả đầu đèn hoặc hệ thống đèn hiện có. Vì thế, một hệ thống đèn phẫu thuật có khả năng mở rộng và nâng cấp tích hợp thêm camera là rất quan trọng. Khi trang bị hệ thống này ngay từ ban đầu, bệnh viện hoặc cơ sở y tế không cần phải đầu tư ngay hệ thống camera, và khi có nhu cầu sử dụng, hệ thống camera sẽ được gắn tích hợp thêm mà không cần phải thay đổi một đèn phẫu thuật khác.

Hình 3: Đèn phẫu thuật có khả năng tích hợp camera và các loại tay nắm khi cần thiết

Độ tạo bóng: Khi có nhiều bóng LED hơn, đèn sẽ sáng hơn nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều bóng mờ hơn. Vì thế, yêu cầu đối với các loại đèn phẫu thuật hiện nay là vừa cho ra ánh sáng tối đa, vừa giảm thiểu tốt nhất tình trạng bóng mờ khi có vật cản. Đối với tính năng này, mỗi nhà sản xuất đèn sẽ có những thiết kế và công nghệ khác nhau nhằm hạn chế tối đa bóng mờ trong quá trình phẫu thuật.

Các thí nghiệm thông thường để kiểm tra độ giảm bóng là chặn các chùm tia bằng mặt nạ (Mask/ Shadower), mô phỏng cho đầu bác sĩ trong quá trình phẫu thuật hoặc với các ống lumen (Tube). Đối với các đèn mổ hiện nay, độ giảm bóng mờ thường lên đến > 90% với một Mask.

Độ hoàn màu R9 và R13:  Độ hoàn màu cũng rất được chú trọng khi lựa chọn đèn phẫu thuật. Khi nói về độ hoàn màu, đa số đều đang nói về độ hoàn màu trung bình (Ra) cho tất cả các màu. Tuy nhiên, trong phẫu thuật, màu sắc của máu và mô cũng là một yếu tố góp phần phản ánh tình trạng bệnh nhân, giúp bác sĩ đánh giá và đưa ra phương pháp điều trị chính xác hơn. Do đó, độ hoàn màu cho máu và mô (R9 và R13) cũng cần được quan tâm, R9 và R13 càng lớn càng phản ánh đúng trạng thái của bệnh nhân.

Hình 4: Độ hoàn màu tương ứng từng màu sắc

Khả năng kháng nước và bụi bẩn: là một trong những thông số ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của đèn phẫu thuật, thế nhưng, khả năng kháng nước và bụi bẩn thường ít được quan tâm đến. Phòng mổ là nơi thường xuyên cần được lau chùi và khử khuẩn và thậm chí là phun khử khuẩn, do đó, nếu khả năng chống nước và bụi bẩn không đảm bảo, có thể gây hư hỏng và giảm tuổi thọ đầu đèn, ảnh hưởng lớn đến quy trình vận hành phòng mổ.

Hiện nay, tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến để đánh giá khả năng kháng nước và bụi bẩn của sản phẩm là chuẩn IP. Chuẩn IP thường đi kèm với 2 chữ số theo sau, biểu thị khả năng chống bụi và nước tương theo thang đo từ 0-6 (đối với bụi), và 0-8 (đối với nước), ví dụ, IP54 thiết bị có thể chống lại bụi và tia nước được xịt hoặc phun từ mọi hướng.

                                        

Hình 5: Chỉ số IP

Hiểu được những vấn đề trên, tại SAGOMED, chúng tôi mang đến những giải pháp đèn mổ tối ưu với các tính năng vượt trội, đáp ứng nhu cầu khắt khe trong phòng mổ theo tiêu chí:

“Để bác sĩ hoàn toàn tập trung vào bệnh nhân mà không phải điều chỉnh thiết bị quá nhiều”.